Hiển thị các bài đăng có nhãn măng le. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn măng le. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

Tây Nguyên, ngoài những ngọn thác ầm ào, đục ngầu mùa mưa, những rẫy nương bạt ngàn gió mùa khô, bạn còn dễ thấy một linh hồn núi rừng miền đất ba gian khác nếu trải nghiệm ẩm thực nơi đây: hoang dại, giản đơn nhưng nhiều sức hút.


Khi xưa, bơ ở tỉnh Tây Nguyên này chỉ được dùng như loại cây trồng làm hàng rào hay lấy bóng mát. Mỗi mùa đến, bơ chín rụng đầy gốc do người dân ăn không kịp, còn gây phiền hà vì ruồi muỗi. Tuy nhiên, những năm gần đây, bơ trở thành trái cây hấp dẫn, được tiêu thụ khắp nơi từ trong nước ra nước ngoài. Bơ sáp Đắk Lắk là một trong những loại trái cây kèm tên vùng đất xuất xứ thành thương hiệu riêng.

Tuy nhiên, có một vài cách thưởng thức khác đặc biệt hơn không phải ai cũng biết. Nếu có vài trái bơ sáp Đắk Lắk, bạn hãy thử dằm bơ đường rồi ăn chung với bánh tráng (bánh đa) xem nhé, đảm bảo sẽ bất ngờ. Bánh đa giòn giòn, bùi bùi thoang thoảng mùi mè (vừng) hòa lẫn với độ ngọt béo lại man mát vừa phải rất khác lạ.

Bơ xứ này dẻo quánh, ăn vào thấy béo thơm đặc trưng không loại bơ nào khác có được nên nhiều khách hàng ưa chuộng 
Hoặc nếu không, hãy cắt bơ thành từng miếng vừa ăn dọn chung với cơm. Nghe thì hơi “quái” nhưng ăn 1, 2 lần lại thành nghiền. Cứ một miếng cơm dẻo với 1 miếng bơ chấm mắm nguyên chất dễ vét thủng đáy nồi lúc nào không hay.

Lẩu lá rừng
Đã từng là một món ăn chống đói của người Ê đê nay lẩu lá rừng lại hóa đặc sản. Tuy nhiên cũng phải may mắn một chút vì rừng nay đã hóa rẫy, chẳng còn nhiều loại cây cối như xưa.

Lẩu lá rừng - đặc sản Đắk Lắk - như kiểu canh thập cẩm, đủ các loại lá rừng hợp lại mà thành. Đơn giản là làm sao chọn hái các loại lá lành tính, nấu lên cùng với thịt, tôm, cho gia vị như bất cứ món canh bình thường nào là xong. Dù nghe thì không mấy hấp dẫn nhưng lẩu lá rừng vẫn cho cảm giác rất khác khi thưởng thức.


Hương vị nguyên bản từ cao nguyên đã đem lại sự đặc biệt cho món lẩu này 
Không hẳn là ngọt đậm, không hẳn là cay nồng, không phải kiểu thơm lừng mà nhẹ nhàng đâu đó giữa tất cả. Có lẽ, ngay hương vị nguyên bản từ cao nguyên đã đem lại sự đặc biệt như vậy cho món ăn. Lẩu lá rừng ăn với các món ăn kèm cơm bình dị khác đều rất hợp.

Thịt nai
Đây là món từ rừng dù là ở phía Bắc hay Tây Nguyên này đều có sức quyến rũ với những tay sành ăn. Hiếm có thứ thịt nào đạt độ mềm, đậm đà và ngọt như thịt nai. Ngoài ra, món ăn chế biến từ nguyên liệu không phổ biến này cũng rất phong phú.

Nai nướng, nai xào lăn, nai nhúng giấm, sườn nai rán, cháo bao tử nai khô, món nào cũng làm người ăn ngây ngất. Những kẻ thích lai rai thì chọn nai khô ướp đủ xì dầu, sả, muối, đường, ớt mè trắng và ngũ vị hương được làm chín trên than hoa và sau đó dần bằng sống dao cho mềm. Nai khô càng nhai càng thích, hợp nhất là có rượu cao nai nhấp nhấp từng ngụm nhỏ thì sướng lắm.

Thịt nai khô vô cùng hấp dẫn
Hoặc nếu không, bạn bè còn có thể khề khà với món nai nướng. Từng miếng thịt nai tươi thái, tẩm gia vị sẵn cho lên bếp, được miếng nào, gắp ra ăn nóng ngay miếng đó chung với gừng là “chuẩn” nhất. Lích kích hơn là món nai nhúng giấm có cách làm tương tự như bò nhúng dấm, ăn kèm với bún, bánh đa nướng, rau sống các loại vừa là món nhậu, vừa là món ăn no lạ lạ quen quen.

Măng le
Măng le - đặc sản Đắc Lắk - ngon không kém măng tre là mấy vì đặc ruột, vị ngọt, bùi và không đắng chát. Măng le tươi cũng như khô đều khá được lòng khách phương xa, nhất là khi họ từng có dịp thử món măng le thịt nai khô chấm muối lá bép ớt. Cái câu “Ai về nhắn với cội nguồn, Măng le gửi xuống cá chuồn gửi lên" đủ cho thấy măng le gần gũi với người dân chốn này đến thế nào. Vì vậy, đã qua Tây Nguyên, không nên bỏ qua việc thưởng thức món ăn này, hay chí ít cũng “dấm dúi” ít măng khô về làm quà.

Nếu bạn đã qua Tây Nguyên, không nên bỏ qua việc thưởng thức món ăn này, hay chí ít cũng “dấm dúi” ít măng khô về làm quà
Không phải món cao lương mỹ vị nhưng đủ để người ở nhà cảm nhận chút nắng gió mưa ngàn của một vùng đất xa.

Gà nướng sa lửa
Nghe cái tên món ăn đã khiến người ta rạo rực và thấy rõ sức mãnh liệt của món ăn nổi tiếng. Lúc trước nguyên liệu của món ngon này là gà rừng nhưng hiện giờ gà thả vườn được thay thế cũng không làm mất đi nhiều giá trị của gà nướng sa lửa. Từng con gà tơ làm sạch, bẻ ức ướp đều với muối hột ớt chanh giã nhuyễn, thêm nước sả rồi kẹp vào thanh tre với lá chanh, cho lên bếp nướng.

Gà sa lửa ăn chung với muối hột giã nhuyễn cùng ớt xanh và chanh ngon đến nỗi thịt chưa kịp nguội đã hết con
Gà chín từ từ, hương thơm quyện chanh cũng từ từ lan tỏa cho đến khi trong chín đều, ngoài vàng ươm đẹp mắt thì người trông bếp không làm sao cầm long. Gà sa lửa ăn chung với muối hột giã nhuyễn cùng ớt xanh và chanh ngon đến nỗi thịt chưa kịp nguội đã hết con.

Gỏi lá
Hơn 40 loại lá khác nhau với nhiều công dụng bồi bổ sức khỏe như lá lộc vừng, sâm đất, hồng ngọc, mơ, cải cay, ổi, đinh lăng, sung, lá lốt, trâm, mã đề, diếp cá, chó đẻ răng cưa, quế, húng, thuyền đất… là nguyên liệu chính của món ăn ngon độc đáo này.

Hơn 40 loại lá khác nhau với nhiều công dụng bồi bổ sức khỏe góp mặt trong món ăn mang hương sắc núi rừng này
Sau khi chuẩn bị đủ “đồ nghề”, người ăn quấn lá thành hình phễu, cho thịt vào giữa rồi chấm cuốn nhỏ ấy vào bát nước chấm sền sệt và thưởng thức. Một loạt các hương, các vị khác nhau sẽ nhanh chóng làm bạn choáng ngợp. Vị chan chát, ngòn ngọt, chua chua, lại cay cay, đặm đặm mà béo thơm, bùi nhẹ quả khiến ta khó dừng lại khi đã thử miếng gỏi lá đầu tiên.