Hiển thị các bài đăng có nhãn Văn hóa ẩm thực. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Văn hóa ẩm thực. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Đầu tiên phải nói rằng tôi không phải chuyên gia ẩm thực. Tôi lớn lên ở New England, nơi người dân ăn chủ yếu rau và thịt, như gà với súp lơ, bò với khoai tây hoặc với rau củ… Tám năm qua, tôi sống ở New York và từng ăn tại những nhà hàng sang trọng. Nhưng tôi không thể nói tôi là chuyên gia ẩm thực, trừ khi đi du lịch. Lúc đó, đồ ăn không chỉ đơn thuần là đồ ăn, mà là văn hóa bản địa. Không có gì ngạc nhiên khi tôi trở nên phát cuồng trong chuyến đi gần đây đến Việt Nam. Đồ ăn quá ngon! Tôi dành nhiều ngày ăn liên tục ở các thành phố, làng quê tìm hiểu về văn hóa ẩm thực của Việt Nam. Và đây là những món ăn ưa thích của tôi.

Phở

Sẽ thật thiếu sót nếu không bắt đầu bằng món phở. Được biết đến chủ yếu như một loại thức ăn đường phố, phở được là tinh túy của ẩm thực Việt, và bởi vậy, tìm được quán phở ngon nhất rất quan trọng. Tôi tìm được một quán phở ngon trong một hẻm nhỏ ở TP HCM. Họ có tất cả những gì tôi muốn: sợi phở mềm, mượt, nước dùng thơm ngon và gia vị nêm vừa đủ.


Tuy nhiên, hương vị không chỉ là phần tuyệt nhất, mà chính là ở không gian xung quanh. Hôm đó tôi đi một mình. Một đầu bếp người Việt dặn tôi rằng bí quyết để biết một loại đồ ăn đường phố có an toàn không là theo dõi quán trong 10 phút. Nếu nhiều người dân địa phương vào ăn thì bạn nên vào, còn nếu không, hãy tìm nơi khác. Quán mà tôi tìm thấy có rất nhiều người dân địa phương vào ăn, vì vậy tôi tin đồ ăn ngon. Đó là thứ phở ngon nhất tôi ăn trong đời!

"Đây là món phở ngon nhất tôi từng ăn trong đời".
Bánh mì

Một món rất nổi tiếng khác của Việt Nam là bánh mì. Bánh mì kẹp thịt, rau mùi, dưa chuột, dưa chua và các phụ gia khác. Tôi gọi chiếc bánh mì đầu tiên trong một nhà hàng ngay khi tới TP HCM. Tôi biết mình nên đợi mua ở ngoài phố để có loại bánh chuẩn nhất, nhưng lúc đó tôi như một đứa trẻ vào buổi sớm Giáng sinh vậy, tôi không thể chờ lâu hơn. Món bánh mì của tôi hóa ra lại ngon, nhưng tôi biết tôi có thể tìm được bánh ngon hơn thế. Cũng như phở, bánh mì được coi là một trong những món ăn đường phố ngon nhất.

Ngày hôm sau, khi tôi đang đi bộ thì bất chợt bắt gặp một anh chàng đang ngồi xe máy, vừa nhai bánh mì và mỉm cười liên tục. Tôi nghĩ bụng: “Anh chàng này biết phải làm gì đây”, và tôi bắt chước.

Như tôi đã nói, đồ ăn không đơn giản chỉ là đồ ăn, còn là văn hóa. Anh chàng này đối với tôi chính là một trải nghiệm thu nhỏ về món bánh mì. Hóa ra anh ấy ăn ở một quầy bánh mì rất nổi tiếng, khi đó có ít nhất 6 người đang đứng chờ mua bánh, và đáng chờ thật. Dưa chua rất tươi, thịt mềm, mềm hơn ở nhà hàng rất nhiều, và quá ngon. Hai tuần sau đó tôi vẫn nghĩ đến chiếc bánh đó.
Món bánh mì đường phố danh bất hư truyền của Việt Nam.
Đồ uống

Trước khi đến Việt Nam, bạn trai tôi có giao một nhiệm vụ: uống thật nhiều cà phê Việt Nam. Lý do? Đó là thứ đồ uống ngon tuyệt, với 3 nguyên nhân. Thứ nhất, cà phê vốn đã rất ngon. Cà phê là một trong những sản phẩm nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, và họ là nước sản xuất cà phê lớn thứ 2 trên thế giới. Thứ hai, họ pha với hộp sữa đặc có đường. Và thứ ba, họ cho đá. TP HCM rất nóng nên uống cà phê nóng không phải là điều khôn ngoan cho lắm. Ba điều hoàn hảo này làm cho cà phê trở nên ngọt không ngờ, và làm tôi bồn chồn suốt cả chuyến đi.

Một món đồ uống đáng nhớ khác là trà mật ong. Tôi không biết có thứ gọi là trà mật ong cho tới khi tôi đi thuyền đến một trại nuôi ong ở một hòn đảo nhỏ có tên Cồn Lân trên sông Mekong, dòng sông dài nhất châu Á. Khi cả nhóm đến trại, một người địa phương pha trà đen và mật ong tự chế cùng nước cốt chanh ngay trước mặt chúng tôi. Tôi chỉ có một từ để tả: Tuyệt diệu! Món trà này ngon không tả nổi. Người hướng dẫn nói rằng món này rất tốt cho sức khỏe, giúp kéo dài tuổi thọ. Tôi có thể tự làm ở nhà, nhưng nó sẽ không giống như thế này được, vì mật ong và phấn hoa ở đảo hoàn toàn khác. Nhưng dù sao tôi cũng vẫn sẽ thử.
Các nguyên liệu pha trà chanh mật ong.
Ăn trưa kiểu địa phương

Sau trại ong, nhóm chúng tôi đến một nhà hàng trên sông Mekong. Món ăn ưa thích của tôi là bánh nếp. Ở Mỹ, nói đến cơm nếp thường là thứ cơm trắng ngọt ăn với rau hoặc thịt. Nhưng ở đó lại hoàn toàn khác. Họ ngâm gạo, nghiền và nắm thành nắm to tròn rồi nấu với đường, rỗng ruột. Họ cắt thành từng miếng nhỏ, ăn trước bữa chính. Tôi ăn nhiều hơn mọi người cùng bàn.

Các món khác là cá tai tượng (dù cá trông không giống tai voi lắm), nem cuốn cắm trong trái dừa và tôm đựng trong trái dứa (tôi không ăn được tôm vì sợ mắt tôm). Nhưng thế vẫn chưa đủ, chúng tôi có món chính là lẩu. Lẩu có ở mọi nơi tại Việt Nam, cầu kỳ hơn phở một chút.

Đồ ăn vặt

Tôi là chúa ăn vặt và Việt Nam không hề làm tôi thất vọng. Việt Nam có rất nhiều hạt điều. Quốc gia này là nhà cung cấp điều lớn nhất thế giới. Điều được bán khắp nơi, từ chợ đến đường phố.


Việt Nam còn có rất nhiều loại trái cây ngon, đặc biệt ở những vùng nông thôn. Họ trộn muối với bột ớt và phủ lên trên trái cây. Vị ngọt của trái cây pha lẫn vị mặn của muối ngon tuyệt, làm cho trái cây càng hấp dẫn.

Một loại quả khá to ở Việt Nam là mít, với vỏ xanh và lõi vàng, trông rất thú vị mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Điều kỳ quặc là mặc dù vỏ ngoài rất xù xì, ruột lại vô cùng mềm mại. Và một thứ nữa là kẹo dừa ở dọc sông Mekong. Những người nông dân nói với chúng tôi rằng họ cắt lõi dừa tươi ép lấy sữa dừa, sau đó đun sữa dừa cho tới khi cô đặc. Tiếp đó, họ để hỗn hợp nguội và ép phẳng, sau đó cắt ra thành các miếng nhỏ hình chữ nhật.

Chuyến đi Việt Nam của tôi phần lớn xoay quanh các món ăn. Khi trở về nhà, bạn bè và gia đình tôi hỏi về chuyến đi, phản ứng đầu tiên của tôi là: “Đồ ăn! Đồ ăn!”.

Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Thịt ba chỉ hay còn gọi là ba rọi bao gồm cả phần mỡ lẫn phần nạc nên ược nhiều người yêu thích, lại phù hợp với nhiều cách chế biến khác nhau trong từng hoàn cảnh khác nhau. Hãy cùng xem 4 cách chế biến từ thịt ba chỉ đơn giản mà ngon miệng lắm đấy! Cùng làm với chúng tôi nhé!

1. Thịt ba chỉ rang hành, tiêu

Nguyên liệu:

- Thịt ba chỉ: 500g
- Hành tỏi khô: 2 củ
- Hành hoa, hạt tiêu: 1 ít
- Hạt tiêu, nước mắm gia vị dầu hào


Thịt ba chỉ rang hành tiêu
Hướng dẫn cách làm:
  • Thịt đem rửa sạch, thái miếng vừa ăn. Đun một nồi nước sôi có cho ½ thìa café muối rồi cho thịt vào trần qua để thịt bớt hôi. Sau đó ướp thịt với ½ thìa café nước mắm, ½ thìa hạt nêm, ½ thìa café dầu hào, ½ thìa café gia vị khoảng 15-20 phút cho ngấm. 
  • Bóc hành, tỏi rồi băm nhỏ, cho một chút dầu ăn vào chảo nóng già rồi phi thơm hành tỏi, trút thịt vào rang, đảo đều tay cho miếng thịt vàng đều. Khi thấy miếng thịt cháy cạnh hơi xém vàng thì nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn. 
  • Cho thêm khoảng 1 -2 thìa canh, đậy vung đun nhỏ lửa khoảng 15 phút.
  • Khi thấy nước cạn, miếng thịt đã vàng đều, bạn cho hành hoa đã xắt khúc vào và tắt bếp. 
  • Dọn thịt ra đĩa, rắc chút hạt tiêu lên. Món này ăn nóng với cơm sẽ rất ngon
2. Thịt ba chỉ xiên nướng

Nguyên liệu:

- 400g thịt ba chỉ
- 1 thìa canh sả băm
- Mật ong, dầu hào, muối, nước mắm, tỏi, hành khô
- Ăn kèm với kim chi cải thảo, củ kiệu ngâm chua ngọt và xà lách xoăn.
Thịt ba chỉ xiên nướng
Hướng dẫn cách làm:
  • Thịt ba chỉ rửa sạch, để ráo, cắt thịt thành từng miếng vừa ăn, ướp vào bát thịt sả băm, hai thìa canh mật ong, nửa thìa nhỏ muối, một thìa canh nước mắm, một thìa nhỏ dầu hào, tỏi, hành khô, trộn đều và ướp khoảng 2 - 3 tiếng đồng hồ cho thịt thấm.
  • Dùng tay xiên những lát thịt vào xiên tre hay xiên thịt bằng nhôm, làm cho hết phần thịt.
  • Xếp những xiên thịt lên vỉ nướng, nướng thịt trên than hoa đến khi thịt chín vàng.
  • Kim chi cải thảo múc ra bát.
  • Củ kiệu rửa sạch, trộn vào bát kiệu một thìa nhỏ giấm, một ít đường, một ít muối, ướp khoảng 30 phút. Bạn có thể mua củ kiệu ngâm chua ngọt bán sẵn.
  • Xà lách xoăn rửa sạch, để ráo.
  • Khi dùng bạn múc một ít thịt vào lá xà lách xoăn, bên trên gắp một ít kim chi, và củ kiệu, cuộn tròn lại.
3. Thịt ba chỉ cuốn lá mắc mật chiên

Nguyên liệu:

- Thịt lợn: 300 g
- Ngũ vị hương: 1 gói
- Hành, tỏi: 1 củ
- Mì chính
- Dầu hào, dầu ăn
- Hạt nêm
- Lá mắc mật tươi
- Tăm nhọn
Thịt ba chỉ cuốn lá mắc mật chiên
Hướng dẫn cách làm:
  • Thịt lợn rửa sạch với nước muối rồi thái hình con chì vừa ăn. Ướp thịt với 2 thìa café dầu hào, 1 thìa café mì chính, 1 thìa café hạt nêm, ½ thìa café đường, 1 gói ngũ vị hương cùng với hành tỏi băm nhỏ. Trộn đều lên để thịt ngấm gia vị trong khoảng 20 – 30 phút.
  • Lá mắc mật rửa sạch, để ráo nước.
  • Dùng từng chiếc lá mắc mật gói với một miếng thịt tương ứng rồi dùng tăm ghim lại. Với hai miếng thịt gói lá mắc mật thì dùng chung một que tăm để xiên. Xiên đến khi hết phần nguyên liệu.
  • Đặt chảo lên bếp rồi đổ dầu vào rán từng miếng thịt đã cuộn.
  • Rán chín đều hai mặt. Khi gần ăn gắp ra đĩa ăn nóng.
4. Thịt ba chỉ luộc

Nguyên liệu:

- Thịt ba chỉ: 0,5kg
- Hành khô: 5 củ, thái lát nhỏ
- Muối, đường, nước mắm, tiêu, chanh, rau thơm, khế, chuối xanh, ớt xanh…
- Nước sôi để nguội: 1-2 lít
cách làm thịt ba chỉ luộc
Thịt ba chỉ luộc
Hướng dẫn cách làm:
  • Cho miếng thịt luộc vào xoong, đổ nước lạnh ngập miếng thịt luộc 2-3 cm. Đun to lửa cho sôi lên 1 phút rồi bắc ra ngoài đổ nước luộc thịt đầu tiên này đi, rửa sạch miếng thịt và xoong dưới vòi nước lạnh. Tiếp tục cho thịt và nước vào đun sôi như lần 1.
  • Vặn to lửa cho nước luộc thịt sôi, thả hành tím thái lát nhỏ vào nồi. Sau đó lần lượt cho 1 chút 1 thía cafe gia vị, ½ thìa cafe mì chính, ½ thìa cafe đường vào nồi nước luộc thịt đang sôi. Từ từ hạ lửa nhỏ cho sôi lăn tăn.
  • Khi thịt sôi, nếu có bọt thì nên vớt bọt thường xuyên, khi nào thấy miếng mỡ hơi trong, xiên đũa qua miếng thịt không thấy nước đỏ trào ra tức là món luộc này đã chín và có thể vớt ra.
  • Lúc này, bạn chuẩn bị một chiếc nồi khác và đổ nước sôi để nguội vào đó, sau khi gắp miếng thịt từ xoong nước sôi ra và thả ngay vào xoong nước lạnh, lưu ý là nước lạnh cũng cần ngập miếng thịt cho đến khi cầm miếng thịt thấy đã nguội hẳn là có thể mang ra để ráo nước và thái miếng để ăn. Hoặc nếu có thời gian, bạn chờ thịt nguội rồi cho vào trong tủ lạnh khoảng 3 tiếng sau đó đem thái. 
  • Nên thái miếng thịt dày khoảng 3m theo lát và sắp vào đĩa theo hình bạn muốn, có thể là hình vòng tròn đồng tâm, phần thịt hướng vào trong và phần mỡ quay ra ngoài, rồi trang trí rau thơm ở góc đĩa. Nước chấm thịt có thể là nước mắm nguyên chất có cho thêm ít chanh, ớt, hạt tiêu hoặc mắm tôm chua Huế.

Thứ Tư, 12 tháng 11, 2014

Bánh flan vốn là món ăn tráng miệng có nguồn gốc từ ẩm thực châu Âu, được giới trẻ yêu thích nhờ hương vị thơm ngon, bổ dưỡng. Ngoài ra, bánh flan còn là món ăn đường phố không thể thiếu trong danh sách ẩm thực của người Việt. Nếu trước đây bánh flan chỉ được làm theo công thức truyền thống từ hỗn hợp trứng, sữa và caramen thì bây giờ món ăn này được biến tấu khác lạ từ nhiều hương vị độc đáo như: bánh flan bí đỏ, flan trà xanh, flan rau câu…mang lại nhiều sự lựa chọn cũng như trải nghiệm thú vị cho người thưởng thức.




Bánh flan bí đỏ 

Không chỉ thơm ngon, bánh flan bí đỏ còn rất tốt cho sức khỏe, bởi bí đỏ rất giàu beta – carotene, magie, phốt pho, sắt, đồng… giúp xương chắc khỏe và ngăn ngừa loãng xương.


Nguyên liệu: 

1 quả bí đỏ cỡ trung bình
4 quả trứng
1/2 cốc nước cốt dừa
1 cốc sữa
1/2 chén đường
1 thìa muối nhỏ
3 lá dứa 
1 ống vani

Thực hiện: 

Bước 1: Bí đỏ rửa thật sạch vỏ, dùng dao sắc khía 1 đường vòng quanh cuống, tách rời ra như cái nắp. Sau đó, nạo hết phần ruột và hạt bên trong quả.
Bước 2: Lấy 1 cái tô lớn, đập trứng vào, thêm nước cốt dừa, đường, muối, vani hoặc lá dứa cắt nhỏ. Đánh đều hỗn hợp và vớt lá dứa bỏ đi.
Bước 3: Rót hỗn hợp vào trong quả bí, nếu cẩn thận bạn có thể cho qua một cái rây để gạn bỏ hết gợn. Chú ý không nên rót đầy đến mép mà chỉ rót gần đầy, chừa lại 1 khoảng nhỏ trong quả bí vì sau khi hấp chín, hỗn hợp trứng sẽ nở lên.
Bước 4: Chuẩn bị nồi hấp, đặt quả bí vào trong nồi, đậy phần nắp bí vào rồi đậy vung nồi hấp trong 45 phút. Khi bí hấp đã chín, ngả màu, hỗn hợp trứng sữa bên trong đông lại là món ăn hoàn thành.


Bánh flan trà xanh

Với nguyên liệu chính là trà xanh sẽ giúp bạn không những có món ăn ngon mà vừa có thể "chăm sóc" sắc đẹp một cách hiệu quả bởi công dụng chống lão hóa của trà.


Nguyên liệu:

- 2 quả trứng
- 250ml sữa
- 50ml kem tươi whipping cream
- 10g bột trà xanh
- 40g đường

Thực hiện:

Bước 1: Cho 2 quả trứng, đường, sữa và kem tươi vào tô lớn, đánh đều theo một chiều, đến khi có được một hỗn hợp lỏng đồng nhất.
Bước 2: Pha 10g bột trà xanh với ít nước lạnh, đổ trà xanh vào hỗn hợp trứng sữa ở bước 1 và tiếp tục đánh đều. Sau đó, lọc hỗn hợp qua rây cho bớt lợn cợn.
Bước 3: Chuẩn bị sẵn hũ với lớp caramen bên dưới (để làm caramen bạn chỉ cần cho đường và nước vào nồi rồi đặt lên bếp đun đến khi đường tan và chuyển sang màu nâu sậm theo công thức của bánh flan truyền thống).
Bước 4: Rót hỗn hợp trứng sữa trà xanh vào hũ đựng caramen và nướng cách thủy ở nhiệt độ 150 độ C trong 60 phút. Nướng xong, lấy ra để nguội rồi cho vào tủ lạnh khoảng 1 tiếng là dùng được.



Bánh flan vỏ trứng

Gần giống với công thức làm bánh flan truyền thống nhưng với cách trình bày độc đáo bằng vỏ trứng chắc chắn sẽ mang lại niềm vui cho bạn.


Thành phần:

- 8 quả trứng gà
- 30g đường cát
- 400ml sữa tươi
- 1 hộp sữa đặc

Thực hiện:

Bước 1: Lấy dao nhọn đâm thủng vào một đầu trứng, thật khéo tay để trứng không bị bể. Khoét to khoảng đầu ngón tay út là được, trút hết bên trong trứng ra tô. Sau đó, đem vỏ trứng súc nước sạch bên trong để hết mùi tanh.
Bước 2: Thêm sữa đặc, sữa tươi, đường, trứng từ bước 1 vào tô lớn, đánh đều. Dùng rây để lược bỏ phần lòng trắng lợn cợn để bánh flan được mịn màng.
Bước 3: Cho 1 muỗng cà phê đường vào vỏ trứng để bù độ ngọt thay thế caramen, tiếp đến đổ hỗn hợp vào. Lấy lớp giấy bạc bao quả trứng lại và cho vào khuôn (hoặc vỉ nhựa) để khỏi đổ.
Bước 4: Dùng nồi hấp cách thuỷ để nấu nước, khi nước sôi, cho bánh vào hấp trong khoảng 20 - 30 phút là chín.

Bánh flan rau câu

Bánh flan rau câu còn được gọi là rau câu 2 tầng, chứa nhân bánh flan ở giữa với hương vị đa dạng, nhiều màu sắc đang là cơn sốt của giới trẻ Sài Gòn.



Nguyên liệu:

- 2 quả trứng gà
- 100ml sữa tươi 
- 40g đường cát
- 1 ống vani
- 1,5 thìa cà phê bột rau câu
- 250ml nước lọc
- 100g đường cát

Thực hiện:

Bước 1: Cho trứng gà, đường, sữa tươi và vani vào tô lớn, đánh đều hỗn hợp và lọc qua rây cho mịn. Sau đó, rót hỗn hợp trên vào 1/2 khuôn nhôm nhỏ. Đặt khuôn vào xửng nước đang sôi, hấp chín khoảng 20 phút. Khi bánh chín, để nguội rồi trút ra dĩa.
Bước 2: Cho 100ml nước hòa với bột rau câu. Đun nóng 150ml nước khác, cho nước rau câu đã hòa ở trên vào nấu tan với đường, khuấy đều, nấu trên lửa nhỏ cho đến khi sôi. Tùy vào sở thích, có thể thêm nước lá dứa, nước cốt dừa hoặc ca cao để có thêm hương vị hấp dẫn.
Bước 3: Rót một lớp mỏng rau câu đang nóng (không sôi) vào khuôn, chờ lớp rau câu vừa se mặt, đặt bánh flan ở bước 1 vào giữa, đổ tiếp phần rau câu đang nóng vào cho đầy khuôn. Để bánh nguội rồi trút ra đĩa, bạn có thể trang trí thêm hoa quả hoặc kem để bánh thêm hấp dẫn và ngon miệng.



Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014


Bánh Flan từ lâu đã trở thành một món ăn tráng miệng khá phổ biến và bổ dưỡng nhưng không phải ai cũng có thể tự tay làm được những chiếc bánh Flan chất lượng. Sau đây là một công thức làm món bánh Flan chuẩn mực đạt độ mịn đẹp tuyệt khi sử dụng lò nướng.

Nguyên liệu

  • 2 quả trứng gà
  • 300ml sữa tươi không đường
  • 100ml sữa đặc
  • Đường
  • Nước
Dụng cụ cần thiết:

Một chiếc lò nướng sẽ giúp cho bạn thực hiện món bánh Flan rất nhanh chóng và dễ dàng với tính năng điều chỉnh nhiệt độ hay hẹn giờ mà không phải canh chỉnh nhiệt độ và thời gian như cách hấp thủy bằng bếp gas truyền thống. Ngoài ra, bánh Flan chế biến bằng lò nướng có màu vàng đậm hấp dẫn và “đặc” béo hơn bình thường. Công thức cho thành phẩm thành công 100%, không lo ngại bánh bị rỗ hay có mùi trứng. Nếu như chưa trang bị lò nướng, bạn cũng có thể dùng lò vi sóng để chế biến món bánh Flan hấp dẫn này.

Hướng dẫn  thực hiện:


Bước 1: Làm Caramen


Mỗi cốc cho vào ½ muỗng cà phê đường


Thêm 1 muỗng canh nước vào cốc


Cho cốc vào lò vi sóng, vặn lò ở công suất cao trong 5 phút


Hết thời gian, lấy các cốc ra, đường lúc này đã trở thành Caramen có màu vàng nâu

Bước 2: Pha sữa


Pha sữa tươi vào sữa đặc, khuấy đều


Cho sữa vào lò vi sóng, vặn lò ở công suất cao trong 5 phút


Trong khi chờ đợi, lấy trứng đập vỏ cho vào bát


Hết thời gian, lấy sữa ra, đánh tan trứng với sữa


Lọc trứng qua rây để được một hỗn hợp mịn đẹp

Bước 3: Hấp cách thủy bánh Flan


Cho hỗn hợp trứng sữa vào từng cốc


Đun nóng nước trước, có thể dùng bình đun siêu tốc để tiết kiệm thời gian


Châm nước vào khay đã lót sẵn khăn lông, như vậy sẽ làm cho kem Flan không bị sôi và giữ được độ mịn


Cho khay vào lò nướng


Vặn lò ở 150oC, chế độ 2 điện trở (lửa trên và lửa dưới) thời gian 30 phút


Hết thời gian, lấy ra khỏi lò, để nguội

Thành phẩm:


Bánh Flan có màu vàng đẹp mắt, mềm mịn, không bị rỗ. Chúc bạn thành công với món bánh này nhé!

Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

Đây là món ăn đơn giản, vui miệng mà cũng rất “chất”, giúp bạn dễ dàng ghi điểm với chàng về tài nữ công gia chánh. 



Nguyên liệu chính: 
- Trứng cút 
- Trứng gà, 
- Thịt heo (nạc vai) 
- Bột mì, bột chiên xù, hành khô, dầu thực vật.

Bước 1:
Luộc trứng cút vừa chín tới, sau đó lăn qua bát bột mì để trứng được phủ một lớp bột mỏng.




Bước 2:
Thịt heo băm nhỏ, trộn đều cùng hành khô, ướp thêm chút xíu bột nêm cho đậm đà.



Đập trứng gà, tách lấy phần lòng đỏ cho vào bát. Lấy một lượng thịt vừa đủ, tán đều trên lòng bàn tay. Bỏ trứng cút đã phủ bột vào giữa, rồi khéo léo nắm chặt lại, tạo thành hình một viên thịt nhỏ với phần nhân là trứng cút. Nhúng viên thịt này vào bát lòng đỏ trứng gà, sau đó vớt ra để ráo.

Bước 3:
Cuối cùng, bọc thêm một lớp bột chiên bên ngoài. Chiên món ăn bằng dầu thực vật. Lưu ý là chiên ngập dầu và nhỏ lửa để món ăn chín đều từ trong ra ngoài.




Vậy là bạn đã hoàn thành món thịt bọc trứng cút chiên xù hấp dẫn. Món ăn này vừa có vị thơm bùi của trứng, vừa có độ giòn của bột, vừa có cái mềm ngọt của thịt. Chấm cùng với nước sốt tương cà món ăn sẽ đạt điểm tuyệt đối. Tuy nhiên, nhược điểm của món ăn là khá chất nên nhanh ngấy. Vì thế, để chống ớn, cũng như món thịt lợn chiên xù đối với món ăn này bạn hãy chuẩn bị thêm một đĩa salat trộn ăn kèm (có thể là xà lách hoặc dưa chuột). Như vậy, bạn đã có một "bữa tiệc" nho nhỏ nhưng rất đủ dinh dưỡng để thể hiện tài nữ công gia chánh với chàng.

Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

Ẩm thực là một phần văn hóa của một quốc gia. Và chính những món ăn đường phố vừa hấp dẫn, vừa rẻ lại thể hiện một cách đầy đủ và rõ nét nhất tinh hoa văn hóa ấy. Muốn có những hiểu biết và trải nghiệm hoàn hảo về mỗi vùng đất đi qua bạn hãy một lần thưởng thức những món ăn đường phố, điều này sẽ mang lại những thú vị bất ngờ. Do đó tạp chí du lịch khám phá của Anh đã viết về những thiên đường ẩm thực đường phố trên thế giới, trong đó có Hà Nội của Việt Nam.
Hà Nội

Từ lâu những món ăn đường phố đã trở nên quen thuộc với người Hà Nội, phải kể đến như phở cuốn Hà Nội, bánh đúc, bún chả. Nghe cái tên món ăn đường phố, người ta sẽ tưởng tượng ra những cảnh chen chúc xô bồ trên những con phố chật hẹp. Thế nhưng khi bước chân vào những con đường này thì thực khách lại thật sự cảm thấy hài lòng và dường như cái đam mê ăn uống được thỏa mãn hoàn toàn. Dạo một vòng Hà Nội vào buổi chiều tối thì không gi thú vị bằng vừa len lỏi vào một quán lề đường ngồi ăn cái gì đó và ngắm thành phố lên đèn.



Phần đông những người Hà Nội quan niệm, món càng ngon càng phải lê la vỉa hè. Chẳng thế mà, ngồi tụm ba tụm bảy, cười nói rôm rả, chen chúc trong cái bụi bặm của đường phố, đông đúc của dòng người qua lại không biết từ khi nào đã gắn với cái thú ăn chơi của người Hà Thành.



Dù các quán ăn hoặc cửa hàng giá không chênh lệch nhiều mà lại có không gian đẹp và sạch hơn nhưng với nhiều người, việc ngồi ăn ở vỉa hè và ăn những món ăn, thưởng thức những hương vị của không khí ngoài trời khiến họ cảm thấy tự do và thoải mái hơn.


Đặc trưng của món ăn đường phố là đồ ăn được chế biến nhanh chóng, không trang trí cầu kì và thực khác có thể được thưởng thức ngay khi vẫn còn nóng hổi. Những người bán hàng đường phố thì cực kì thoải mái và niềm nở. Bạn sẽ được đối xử công bằng như tất cả mọi người dù bạn có là ai đi nữa. Các món ăn phổ biến là: xôi, bún đậu mắm tôm, bún chả, bún mọc, khoai nướng, ngô nướng...

Nice, Pháp
Khi nói đến các món ăn vặt vỉa hè chúng ta thường nghĩ ngay đến châu Á, châu Phi hay châu Mỹ La tinh. Thế nhưng thành phố Địa Trung Hải của Pháp – Nice cũng vô cùng nổi tiếng với các loại thức ăn đường phố của mình. Đây là một trong những thành phố tuyệt vời cho người sành ăn. Tại đây bạn sẽ được thưởng thức rất nhiều đặc sản địa phương như bánh Pissaladièr, Socca, Tourtes de blettes…


Ngoài ra bạn cũng có thể đến khu New Town, nơi tập trung rất nhiều hàng quán cho bạn lựa chọn. Đây là nơi bạn có thể thưởng thức loại rượu trái cây thơm ngon trong một căn hầm ấm cúng.

Brick Lane, London, Anh
Du khách đến Brick Lane không chỉ bởi các tác phẩm nghệ thuật tranh tường (graffiti) được giới nghệ sĩ đến từ khắp thế giới thể hiện mà còn vì ẩm thực đường phố ở đây. Bạn có thể được thưởng thức món cà ri Bangladesh, món nướng của Mexico, bánh nhân rau, thịt xông khói Jamon Serrano của Tây Ban Nha, bánh crepe mặn kiểu Pháp, mì xào kiểu Trung Quốc cùng các loại đặc sản như bánh mì, phô mai… Những khu chợ ở đây đông đúc, hối hả, nhộn nhịp, ngoài ra, những quán bia sản xuất theo cách thủ công truyền thống ở London cũng rất tuyệt vời.


Georgetown, Malaysia
Sức hấp dẫn của thành phố Georgetown, bang Penang nói riêng và Malaysia nói chung là một nền văn hóa hỗn hợp giữa các sắc tộc: Malay, người Hoa, Ấn Độ... Vì thế nền ẩm thực ở đây cũng mang tính đa quốc gia, thế nên không có gì ngạc nhiên khi du khách có thể thưởng thức các món ăn ngon nhất châu Á tại các con đường ở Georgetown.


Hãy dành thời gian để làm một chuyến vòng quanh Georgetown với một người am hiểu ẩm thực địa phương. Đừng quên đến các quầy hàng rong ngoài trời, thưởng thức cà phê và các món ăn chính hiệu của Malaysia như mỳ hủ tiếu, canh cá chua Asam laksa… Nếu bạn thích đồ ngọt hoặc các món ăn cay, bạn có thể yêu cầu "hướng dẫn viên" sắp xếp.


Mexico
Sẽ là thiếu sót khi nhắc đến ẩm thực thế giới mà không dừng lại để khám phá ẩm thực Mexico, đặc biệt là các món ăn được làm từ ngô, nguyên liệu giàu chất dinh dưỡng. Đầy hương vị và màu sắc, trông vô cùng ngon mắt đó chính là những điểm nổi bật, đặc trưng của ẩm thực Mexico.


Chỉ cần đi bộ quanh Mexico City, bạn sẽ được thưởng thức rất nhiều món ăn phổ biến của đất nước Trung Mỹ như Tacos – một món bánh sandwich truyền thống hay bánh Quesadillas, bánh Tamales… và rất nhiều loại nước ép hoa quả tươi.

Wellington, New Zealand
Wellington có rất nhiều quán cà phê và nhà hàng. Các quán cà phê và nhà hàng bình quân trên đầu người tại nơi đây còn cao hơn cả New York bởi người dân Wellington rất coi trọng ẩm thực. Bạn sẽ phải ngạc nhiên bởi sự phong phú về ẩm thực nơi đây. Đến Wellington, nhớ dừng chân nhấm nháp một tách cà phê tại quán cà phê Mojo, đến Moore Wilson ăn món pho mát nổi tiếng hàng thế kỷ, thưởng thức món cá hồi, thịt cừu, thịt bò...


Bạn cũng có thể thưởng thức đồ ăn từ khắp nơi trên thế giới hoặc một vài món đặc biệt của các cửa hàng lâu đời. Năm nào các nhà hàng và quán bar của Wellington cũng đoạt những giải thưởng dành cho nhà hàng quán bar tốt nhất của New Zealand.